— Các hoạt động chống chính phủ vẫn tiếp tục tại Bahrain cho thấy là tình trạng bất ổn tại nước này còn lâu mới chấm dứt, và một số nhà phân tích nói những ngày bạo động nhất vẫn chưa xảy ra.
Bahrain đang chật vật đối phó với phong trào chống chính phủ kéo dài 21 tháng nay, và các vụ xung đột giữa lực lượng an ninh và người biểu tình xảy ra hầu như hằng đêm.
Bom nổ trong thủ đô Manama của BahrainBom nổ trong thủ đô Manama của Bahrain
Trong một động thái bị các tổ chức nhân quyền đả kích nặng nề, chính phủ Bahrain cấm các cuộc tập họp công cộng sau khi một cảnh sát viên bị giết trong một cuộc biểu tình vào trung tuần tháng 10 vừa qua. Chưa đầy một tuần sau đó, hai quả bom tự chế đã phát nổ tại thủ đô Manama, làm hai công nhân nước ngoài thiệt mạng và gây thương tích trầm trọng cho một công nhân khác.
Không có ai nhận trách nhiệm trong những cuộc tấn công này nhưng nhà cầm quyền Bahrain liên kết các vụ đánh bom này với tổ chức chủ chiến Hezbollah tại Libăng, và cho biết là nhiều nghi can đã bị bắt giữ.
Trong khi các loại chất nổ tự chế thường xuyên được các phần tử đối lập cực đoan sử dụng, ông Michal Stephens, một nhà nghiên cứu tại RUSI Qatar, nói tấn công vào công chúng là một điều mới lạ trong cuộc tranh chấp này. Ông nói:
“Điều mà chúng ta đang chứng kiến là một quá trình kéo dài của nỗi tuyệt vọng và bạo động ngày càng tăng trong cộng đồng Bahrain, đặc biệt về phía người Shia, và tình trạng đó diễn ra sau khi tiến trình hòa giải hoàn toàn khựng lại và thất bại.”
Biểu tình chống chính phủ vào ban đêm tại quảng trưởng Pearl ở ManamaBiểu tình chống chính phủ vào ban đêm tại quảng trưởng Pearl ở Manama
Người Hồi Giáo Shia, thành phần đa số tại Bahrain đã kéo nhau xuống đường biểu tình hồi tháng Hai năm 2011, để đòi chế độ quân chủ do phe Hồi giáo Sunni lãnh đạo phải trao nhiều quyền cho họ hơn và cải cách chính trị.
Các binh sĩ đến từ Ả Rập Saudi và Liên hiệp các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống cuối cùng được yêu cầu đến để giúp dẹp các cuộc nổi dậy, sau đó Quốc vương Hamad bin Isa Al Khalifa tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong 3 tháng hồi tháng 3 năm 2011.
Một cuộc điều tra độc lập sau đó xác nhận chính phủ Bahrain đã vi phạm nhân quyền, kể cả các vụ tra tấn.
Từ đó, nhà cầm quyền Bahrain đã thực hiện một số cải cách giới hạn, nhưng không đủ để làm dẹp yên phe đối lập, về phần lớn cổ vũ các cuộc biểu tình ôn hòa.
Theo ông Stephens, giữa lúc tình trạng bế tắc kéo dài, những thành phần cứng rắn đã giành được thêm sự ủng hộ:
“Tôi e rằng điều mà chúng ta sẽ chứng kiến, là tình hình chính trị sẽ tồi tệ hơn và tôi tin rằng sẽ có thêm các hành động khủng bố như hậu quả của tình trạng đó.”
Ông Christian Koch, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vùng Vịnh, nói những quan ngại trong vùng đã tăng thêm sự phức tạp trong tiến trình hòa giải bên trong Bahrain.
“Trong nội bộ các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh) có lo ngại thực sự là nếu đưa ra quá nhiều nhượng bộ và thực sự trao thêm quyền cho người Shia sẽ rốt cuộc mở cửa cho Iran tiến vào phần còn lại của vùng này.”
Chính phủ Bahrain cáo buộc phe Shia đang nắm quyền tại Iran là giật dây để gây bất ổn tại vương quốc Bahrain. Iran và phe đối lập bác bỏ những cáo buộc này.
Ý nghĩa chiến lược của Bahrain được nhấn mạnh bởi sự kiện nước này là căn cứ của Hạm đội thứ 5 của Hải quân Hoa Kỳ, một tường thành chống Iran và bất cứ mối đe dọa nào đối với những chuyến tàu chuyển vận dầu hỏa trong vùng Vịnh.
Trong khuôn khổ của một chiến dịch đàn áp giới bất đồng chính kiến, tuần trước chính phủ Bahrain thu hồi quyền công dân của 31 nhà hoạt động, một động thái mà giới chỉ trích nói sẽ đào sâu thêm sự chia rẽ trong nước.
Bà Fiona O’Brian, biên tập viên của tờ Bản tin các Quốc gia vùng Vịnh nói Bahrain không thể tự mình giải quyết cuộc khủng hoảng. Bà nói rằng điều cần thiết là cộng đồng quốc tế nhập cuộc, một điều mà cho tới nay đã không xảy ra. Bà nhận định:
“Quốc tế đã lên tiếng chỉ trích chính phủ rất nhiều, nhưng phải nói rằng những lời chỉ trích ấy chưa vượt quá những lời khoa trương suông.”
Mặc dù nước Anh đã bày tỏ quan ngại về tình hình tại Bahrain, tháng trước nước Anh đã ký một hiệp định quốc phòng với Manama. Hồi tháng 5 năm nay, Hoa Kỳ chấp thuận một thỏa thuận bán vũ khí cho Bahrain.
Cuối tuần qua, lực lượng Vệ binh Quốc gia Bahrain đã được điều động đến nhiều nơi trên khắp nước để tuần tra “các vị trí chiến lược” nơi các cuộc tập họp chống chính phủ thường diễn ra.
Theo Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền, khoảng 80 người đã thiệt mạng tại Bahrain kể từ khi cuộc nổi dậy được phát động.