Bóng đá nữ Việt Nam đang đứng trước cơ hội cực lớn lần đầu tiên tham dự World Cup 2015, sau khi chính thức giành vé tham dự VCK Asian Cup 2014.
Sau nhiều năm thống trị sân chơi khu vực, bóng đá nữ luôn khát khao đến cháy bỏng giấc mơ chinh phục sân chơi châu lục và đặc biệt là thế giới. Vì lẽ đó, trước cơ hội được góp mặt tại giải đấu lớn nhất hành tinh là World Cup 2015, người hâm mộ Việt Nam đang rất hân hoan, còn các nhà quản lý đã sớm khẳng định sẽ có những đầu tư đặc biệt cho bóng đá nữ. Tất cả cùng hy vọng, đó không chỉ là những lời nói suông…
Trẻ hóa là tất yếu…
Còn nhớ gần 2 năm về trước, HLV Trần Vân Phát đã tiến hành trẻ hóa lực lượng một cách quyết liệt. Có người đã lo lắng cho chiến dịch bảo vệ ngôi hậu giải ĐNA hay SEA Games, nhưng theo HLV người Trung Quốc, ngay cả khi điều xấu nhất xảy ra, thì bóng đá nữ Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục đi theo con đường đã chọn, bởi chỉ khi đó chúng ta mới có một ĐT thực sự mạnh mẽ và có tính ổn định lâu dài.
HLV Trần Vân Phát đã không thể chần chừ thêm nữa về mục tiêu trẻ hóa lực lượng của mình, dù ở thời điểm này, việc gạt đi những cái tên đã theo ông bao năm qua không phải là chuyện dễ quyết định dễ dàng.
Có thời điểm, ĐT nữ VN chỉ còn lại đúng 4 gương mặt quen thuộc là Lê Thị Thương, Kim Tiến, Nguyễn Thị Muôn và thủ môn Kiều Trinh, còn lại đều là những gương mặt trẻ.
Thái Lan và Myanmar – 2 “kình địch” của ĐT nữ Việt Nam đã tiến hành trẻ hóa từ thời điểm mà chúng ta vẫn còn trong đội hình thế hệ vàng với những Kim Chi, Đào Thị Miện, Văn Thị Thanh… Sự đột phá trong cách làm của Thái Lan đã giúp họ có một lực lượng đồng đều, nhiều kinh nghiệm. Trong những lần chạm trán gần đây nhất, ĐT nữ Việt Nam vẫn nhỉnh hơn, nhưng rõ ràng là Thái Lan đã chuẩn bị rất tốt cho kế hoạch lật đổ sự thống trị của thầy trò HLV Vân Phát. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, dù xác định sẽ thụt lại phía sau một hay 2 kỳ SEA Games, vô địch ĐNA, không còn cách nào khác bóng đá nữ Việt Nam buộc phải trẻ hóa.
Những dấu hiệu cho thấy, tương lai của bóng đá nữ nước nhà đang rất sáng sủa. Lứa U19 được gọi lên tuyển lần này đều chơi rất tiến bộ, chắc chắn sẽ trở thành trụ cột của ĐT nữ sau này. Những cái tên như: Tuyết Dung, Nguyễn Thị Liễu, Bùi Thị Như, Huỳnh Như…đang ngày một trưởng thành.
Sự khó khăn về lực lượng của ĐT nữ Việt Nam đang được nhìn thấy rõ, nhưng công cuộc trẻ hóa lại không bao giờ là muộn. Bởi vậy, hãy cứ tin vào những gì mà HLV Vân Phát đang làm và hãy cứ tin một ngày nào đó, bóng đá nữ Việt Nam sẽ bứt ra khỏi tầm khu vực, với những gương mặt trẻ đã và đang được lựa chọn.
ĐT nữ VN cần được đầu tư hợp lý
Giấc mơ World Cup ở rất gần
Theo quy định mới, vòng chung kết World Cup bóng đá nữ 2015 sẽ tăng từ 16 đội lên 24 đội tham dự. Theo đó, khu vực châu Á sẽ có thêm 2 suất để tăng tổng số đại diện lên 5 đội. Điều này đã mở ra cách cửa giành vé tới dự ngày hội bóng đá nữ lớn nhất hành tinh cho tuyển nữ Việt Nam.
Tại châu Á, 5 cường quốc bóng đá nữ hàng đầu châu lục là Nhật Bản, Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc và Australia. Đứng tiếp theo là nữ Việt Nam, Thái Lan, Myanmar…Việc CHDCND Triều Tiên bị cấm tham dự World Cup 2015 do bị phát hiện sử dụng doping trước đó, đã tạo cơ hội cho các đội còn lại tranh 1 vé vào tốp 5 đội mạnh nhất, trong đó có tuyển nữ Việt Nam.
Tại vòng loại Asian Cup vừa kết thúc tại Bahrain, đội tuyển nữ Việt Nam giành kết quả toàn thắng cả 3 lượt trận (thắng Bahrain 8-0, Kyrgkyzstan 12-0 và Hong Kong-Trung Quốc 4-0), giành 9 điểm, ghi 24 bàn và không để lọt lưới bàn nào. Thành tích này giúp thầy trò HLV Trần Vân Phát giành ngôi nhất bảng C, đồng thời giành vé dự vòng chung kết Asian Cup 2014 diễn ra vào tháng 5/2014.
Với việc có vé tham dự VCK Asian Cup, cơ hội của đội tuyển nữ đang rất gần, nhất là sau khi Việt Nam đang nhiều khả năng được đứng ra đăng cai VCK.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, đây chính là cơ hội “ngàn ngăm có một” với bóng đá nữ Việt Nam bởi nhiệm vụ của chúng ta chỉ là vượt qua 2 đối thủ mạnh trong khu vực là Thái Lan và Myanmar. Đây đều là những đối thủ từng nhiều lần là bại tướng của tuyển nữ Việt Nam, nên chúng ta vẫn được đánh giá cao nhất.
Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ khẳng định: “Nhiệm vụ lọt vào VCK World Cup 2015 là hoàn toàn khả thi. Bên cạnh những kế hoạch đầu tư đặc biệt sắp tới, VFF sẽ xin đăng cai VCK Cúp bóng đá nữ châu Á 2014 để có nhiều cơ hội hơn trong việc giành vé dự VCK World Cup 2015”.
Trong khi đó, HLV Trần Vân Phát cũng tự tin: “Chưa bao giờ cơ hội tham dự World Cup 2015 lại lớn như thế với ĐT nữ Việt Nam. Tôi cho rằng nếu ĐT nữ hoàn toàn có quyền mơ tham dự VCK World Cup 2015”.
Nhưng cũng rất xa…
Rõ ràng là theo tính toán của các nhà quản lý bóng đá nước nhà, vấn đề tham dự World Cup 2015 tại Canada chỉ còn là vấn đề thời gian. Tuy nhiên, cái “thời gian” đó nếu không được lấp đầy bằng những kế hoạch, những đầu tư một cách chỉn chu, vượt tầm, e rằng chúng ta khó thực hiện được giấc mơ ngàn năm có một.
Trong quá khứ, đã có quá nhiều lần ĐT nữ Việt Nam được nhận những lời hứa, nhưng tất cả chỉ là hứa suông. Bóng đá nữ từng nhiều năm nằm trong tốp 10 châu Á (trong khi bóng đá nam đặt mục tiêu này đến…năm 2030), nhưng chưa bao giờ được quan tâm một cách đúng mức. Tất cả vẫn chỉ là một giải VĐQG thi đấu vỏn vẹn 10 vòng, chạy đôn chạy đáo tìm nhà tài trợ. Đội tuyển quốc gia thì thời gian gần đây chỉ tập trung ngắn ngày, kế hoạch tập huấn chủ yếu trong nước, với một ông thầy ngoại được trả lương khiêm tốn.
Tất nhiên, World Cup không phải là SEA Games hay bất cứ giải đấu nào khác, VFF buộc phải cho thấy những thay đổi tích cực trong đầu tư cho xứng tầm. Chỉ có điều, cũng như bao lần trước, từ lời hứa tới hành động cụ thể, lại là một câu chuyện muôn thủa với bóng đá nữ Việt Nam.
Sau chức vô địch AFF Cup 2012 mới đây, HLV Trần Vân Phát đã lên tiếng: “Bóng đá nữ Việt Nam muốn vươn tầm, không còn cách nào khác là phải được đầu tư mạnh mẽ”. Hưởng ứng “lời kêu gọi” đó, ông Hỷ khẳng định ngay từ bây giờ VFF sẽ có sự chuẩn bị tích cực những năm tới. Cụ thể, lứa U19 sẽ là trọng tâm của sự đầu tư với những đợt tập trung dài ngày, tập huấn ở những nước có nền bóng đá nữ phát triển…
Tuy nhiên, các kế hoạch của VFF có nguy cơ chỉ là…kế hoạch bởi làm sao kêu gọi được các nhà tài trợ nhằm tăng kinh phí không phải dễ. Bí quá, ông Hỷ từng quả quyết sẽ dùng toàn bộ số tiền 10 tỷ từ VPF chuyển sang hàng năm để lo cho các đội tuyển. Chỉ có điều, các đội tuyển như ĐTVN, ĐT U23, các đội tuyển trẻ sẽ không thể ngưng hoạt động trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tương lai của VPF cũng rất mờ mịt, liệu có đảm bảo thu lãi hàng năm để đầu tư cho bóng đá? Còn bản thân ông Hỷ cũng sắp nghỉ hưu, liệu người thay ông có đồng quan điểm sẽ quan tâm tới bóng đá?
Vui vì cơ hội ngàn năm có một có thể giúp bóng đá nữ Việt Nam sánh vai với thế giới, nhưng lại thấy lo và buồn khi VFF thực sự chưa có một kế hoạch xứng tầm, mang tính lâu dài, bền vững. Giấc mơ chỉ thành hiện thực khi những người làm bóng đá thực sự nghiêm túc, chứ vì hưng phấn sau những thành tích quá dễ đạt được, e rằng chúng ta đã tự đề cao mình.
Authors: Phuc Linh – Source: 24h