Một số các đồng minh của Ả-rập Saudi đã cùng có hành động ngoại giao chống lại Iran sau khi tòa đại sứ của Ả-rập Saudi tại Tehran bị tấn công giữa lúc đang có cuộc tranh cãi về vụ xử tử một giáo sỹ nổi tiếng dòng Shia, Sheikh Nimr al-Nimr.
Bahrain và Sudan đều đã có quan hệ xấu với Iran, và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất đã hạ cấp ngoại giao đoàn của mình tại đây.
Ả-rập Saudi hôm Chủ Nhật đã làm xấu đi trầm trọng mối quan hệ và trao cho các nhà ngoại giao Iran hai ngày để rời đi.
Ả-rập Saudi và Iran là hai nước Hồi giáo hùng mạnh, một theo phái Sunni và một theo phái Shia, trong khu vực. Mỗi nước ủng hộ các phe khác nhau tại Syria và Yemen.
Bahrain, quốc gia do hoàng tộc theo dòng Sunni cai trị nhưng có đa số dân theo dòng Shia, hôm thứ Hai đã ra lệnh cho các nhà ngoại giao Iran phải rời khỏi nước này trong vòng 48 giờ.
Bahrain cáo buộc Iran là “can thiệp một cách ngày càng gia tăng, trắng trợn và nguy hiểm” vào các công việc nội bộ của các quốc gia vùng Vịnh và các nước Ả-rập.
Nước này nói vụ tấn công vào Tòa đại sứ Ả-rập Saudi là một phần trong “mô thức vô cùng nguy hiểm về các chính sách giáo phái, điều cần phải bị ngăn chặn… nhằm đảm bảo an ninh và ổn định cho toàn khu vực”.
Bahrain, nơi Hạm đội 5 Hải quân Hoa Kỳ đóng quân, thường xuyên cáo buộc Iran là kích động bạo loạn ở nước này kể từ 2011 tới nay, điều mà Tehran bác bỏ.
Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Sudan viết: “Để đáp trả các cuộc tấn công man rợ vào Sứ quán Ả-rập Saudi ở Tehran và tòa lãnh sự nước này tại Mashhad… Sudan tuyên bố ngay lập tức hạ mức quan hệ với Cộng hòa Hồi giáo Iran.”
Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất hạ mức đại diện ngoại giao tại Tehran và triệu hồi đại sứ, nhưung nói sẽ tiếp tục duy trì các quan hệ thương mại.
Chia rẽ giáo phái giữa dòng Sunni và dòng Shia
Việc chia rẽ bắt đầu từ cuộc tranh cãi nổ ra ngay sau cái chết của Đức Tiên tri Muhammad hồi năm 632 về việc ai sẽ là người dẫn dắt cộng đồng Hồi giáo
Người Sunni ước tính chiếm từ 85% đến 90% tổng số người Hồi giáo toàn cầu
Tuy hai phái cùng tồn tại qua nhiều thế kỷ và có chung nhiều niềm tin tôn giáo căn bản cũng như một số thủ tục hành lễ, nhưng có những khác biệt về giáo lý, nghi lễ tôn giáo, quy định, cách diễn giải và cách tổ chức.