Hỗ trợ an ninh cho Bahrain đã bị Mỹ rút lại từ hồi năm 2011, khi quốc gia này sử dụng quân đội đàn áp các cuộc biểu tình của người Hồi giáo dòng Shia.
Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, John Kirby cho biết, Bahrain đã có những tiến bộ về quyền con người, bao gồm việc phóng thích các tù nhân chính trị.
“Chính quyền Bahrain đã có nhiều tiến bộ trong cải tổ quyền con người và hoà giải, nhưng, điều này không có nghĩa là Mỹ cảm thấy vấn đề trên ở nước này là hoàn toàn hợp lí. Sau khi bỏ các quy định ngừng hỗ trợ quân sự cho Bahrain, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục đề cập đến những mối quan ngại về quyền con người”, ông John Kirby tuyên bố, tuy nhiên, không nói chính xác các hỗ trợ an ninh mà Bahrain sẽ nhận được là gì.
Lãnh đạo phe đối lập với chính phủ Bahrain, Sheikh Ali Salman
Bahrain cũng là nơi đóng quân của hạm đội 5 – hải quân Mỹ và tham gia vào sứ mệnh không kích Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) do Mỹ dẫn đầu.
Động thái này của chính phủ Mỹ đã nhanh chóng bị lên án bởi nhiều nhóm hoạt động chính trị. Bà Sarah Margon, giám đốc của Tổ chức giám sát quyền con người, cho rằng, Mỹ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Bahrain trong khi nước này không hề có một đổi mới chính trị nào có ý nghĩa.
“Các nhà tù của Bahrain đang chứa hàng loạt tù nhân chính trị và bản án gần đây cho lãnh đạo phe đối lập, Sheikh Ali Salman, tổng thư ký của Tổ chức al-Wefaq có nghĩa là tình hình chính trị ở nước này vẫn không có gì thay đổi”, bà Margon nhận định.
Đầu tháng 6, ông Sheikh Salman đã bị tuyên án tù 4 năm với tội danh kích động, xúi giục chống lại chính quyền. Những cuộc biểu tình của người Hồi giáo Shia chống lại giới cầm quyền theo dòng Sunni của Bahrain đã nổ ra từ năm 2011. Hàng chục người đã thiệt mạng sau khi chính phủ nước này quyết định dùng vũ lực trấn áp đám đông biểu tình vào thời gian đó.