Lý giải việc rút đại sứ, 3 vương quốc cho hay Qatar không tôn trọng thỏa thuận ký ngày 23-11-2013, trong đó cam kết “không hậu thuẫn bất cứ cá nhân hay tổ chức nào đe dọa an ninh và ổn định của GCC, đồng thời không ủng hộ truyền thông thù địch”. Nội các Qatar bày tỏ “lấy làm tiếc và ngạc nhiên” song không đáp trả bằng biện pháp tương tự. Hai thành viên còn lại của GCC là Kuwait và Oman đứng ngoài cuộc. Trong khi Kuwait “theo sát diễn biến” thì Oman miễn bình luận.
Thành lập vào năm 1981 với mục đích đối trọng với Iran, GCC là một liên minh thân phương Tây và bao gồm các nhà sản xuất, xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt lớn nhất thế giới. Là thành viên dẫn đầu GCC cả về diện tích, dân số và kinh tế, Ả Rập Saudi ngày càng không hài lòng với “đàn em” Qatar. Thừa kế ngai vàng từ cha mình vào tháng 6-2013, vị vua ngoài 30 tuổi Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani từng tuyên bố Qatar sẽ quyết đoán và độc lập trong chính sách đối ngoại.
Một cuộc họp của các bộ trưởng nội vụ Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC)
tại thủ đô Riyadh của Ả Rập Saudi. Ảnh: Reuters
Thế giới Ả Rập đang hết sức rối ren. Iraq và Syria chìm trong xung đột, Yemen và Libya hỗn loạn, Ai Cập mất ổn định trong khi Lebanon và Jordan không thoát khỏi guồng quay bạo lực từ các nước láng giềng.
Với tài chính hùng mạnh, GCC xen vào hầu như mọi cuộc khủng hoảng này nhưng không phải luôn thống nhất đường lối. Đối với các cuộc biểu tình của Mùa xuân Ả Rập, Qatar chọn đứng về phía “dân thường chống lại áp bức”, như đã tiếp sức cho quân nổi dậy Libya lật đổ cố lãnh đạo Muammar Gaddafi.
Vào lúc này, Qatar cùng Ả Rập Saudi đứng sau các phe phái đối lập tại Syria trong cuộc chiến chống lại Tổng thống Bashar al-Assad. Tuy nhiên, ở Ai Cập thì khác. Cùng với UAE, Ả Rập Saudi liệt tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) vào danh sách khủng bố trong khi Qatar cho giáo sĩ đầy ảnh hưởng của MB là Yusuf Qaradawi ẩn náu. Ngoài ra, kênh truyền hình Al-Jazeera của Qatar thường xuyên chỉ trích chính phủ Ai Cập lẫn các nước thuộc GCC.
Thật ra, GCC cũng không ấm êm là mấy. Giữa Ả Rập Saudi và Qatar từng xung đột biên giới khiến nhiều người chết vào năm 1992. Từ năm 2002-2007, Riyadh không có đại sứ tại Doha cũng do cãi vã về kênh Al-Jazeera. Quan hệ Qatar – UAE tuột dốc vào những năm 1990 khi Dubai cho một tiểu vương Qatar bị lật đổ tị nạn.
Thêm vào đó là mối bất mãn của Oman với “anh cả” Ả Rập Saudi, thường chiếm tiếng nói quyết định trong GCC. Tháng 12 năm ngoái, Oman tuyên bố không muốn làm thành viên GCC sau nhiều tuần giận dữ vì chuyện Riyadh hỗ trợ các cuộc đàm phán bí mật giữa Mỹ và Iran.
Giàu nứt đố đổ vách nhưng giới phân tích cho rằng nếu chia rẽ, GCC vẫn có thể bị lôi vào vòng xoáy của hậu Mùa xuân Ả Rập, như một tờ báo Kuwait đặt câu hỏi: “Liệu GCC có tự giết mình?”. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng còn quá sớm để kết luận vết nứt với Qatar sẽ làm sụp đổ GCC bởi những hục hặc trước đây thường được dàn xếp ổn thỏa.