Tối 28/9, Quách Thị Lan chỉ cách có…5m để giành tấm HCV lịch sử cho nền thể thao nước nhà. Tuy nhiên, công bằng mà nói, tấm HCB của Quách Thị Lan ở cự ly 400m hoàn toàn xứng đáng được xem như HCV của Đại hội. Vì sao? Bởi đối mặt với tốc độ bứt phá và sức bền thể lực của VĐV gốc Nigeria mang quốc tịch Bahrain, cô gái người Mường đến từ Thanh Hóa đã không thể hoàn thành giấc mơ Vàng cho điền kinh Việt Nam.
Cho tới trước ngày lên đường sang Hàn Quốc tham dự Asian Games, tổ chạy tiếp sức 4x400m nữ vẫn phải chịu áp lực rất lớn, bởi kỳ vọng đoạt HCV Asian Games 2014. Chính bởi thế, thể thao Việt Nam mới chứng kiến chuyện hy hữu khi các đơn vị đang quản lý 4 VĐV trong tổ 4x400m là Quách Thị Lan (Thanh Hóa), Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Thúy (Hà Nội), Nguyễn Thị Huyền (Nam Định) cùng với Tổng cục TDTT bắt tay góp kinh phí cho các niềm hy vọng Vàng đi tập huấn tại Mỹ suốt 5 tháng.
Quách Thị Lan với tấm huy chương bạc giành được trong ngày 28/9. (Ảnh: Trọng Phú)
Nhưng cũng chính chuyến tập huấn này gây nhiều điều tiếng, liên quan tới vấn đề thích nghi chỗ ở, ăn uống, giáo án và điều kiện tập luyện của VĐV tại Mỹ. Những rắc rối phát sinh này cùng với kỳ vọng Vàng, thêm điều kiện thi đấu tại sân Incheon có gió to và mưa, khiến áp lực lên các VĐV càng thêm nặng nề. Dù điền kinh Việt Nam có 2 VĐV vào thi đấu chung kết, nhưng mục tiêu của Quách Thị Lan và Nguyễn Thị Huyền hoàn toàn khác nhau.
Ông Nguyễn Trọng Hổ, HLV tổ 4x400m, cho biết: “Thầy trò tôi qua 5 tháng rất vất vả. Dư luận và báo chí bên ngoài có những điều không hiểu về thực tế bên đó, nên chúng tôi rất buồn. Bởi vậy, lúc này chúng tôi rất vui khi đạt thành tích như hôm nay. Thực ra cũng không bất ngờ lắm vì Lan đạt chỉ số còn hơn thế này. Khi sang Mỹ tập huấn, ở đó có bài tập khác hẳn ở Việt Nam. HLV của trung tâm này chính là người huấn luyện ra nhà VĐTG ở cự ly 400m, nên khi sang đây thì điều kiện rất đúng theo hướng đi của bộ môn và BHL.
Còn Quách Thị Lan, người giành HCB ở cự ly 400m tại Asian Games lần này, nói: “Chuyến tập huấn tăng cho em thêm được tốc độ và sức bền, cải thiện rõ rệt thành tích cao hơn. Một VĐV khi bước vào thi đấu đều có áp lực tâm lý và lo lắng về đối thủ. Em rất vui và hạnh phúc khi giành được tấm huy chương này, vì mình đã không phụ lòng công sức huấn luyện của các thầy cũng như niềm mong đợi của các bạn.
Quách Thị Lan thể hiện phong độ xuất sắc ở đường chạy 400m nữ. (Ảnh: Trọng Phú)
Về Nguyễn Thị Huyền, người cũng vào thi đấu chung kết cự ly 400m cùng Quách Thị Lan, HLV Nguyễn Trọng Hổ tiết lộ mục tiêu mà BHL đặt vào VĐV nàychính là kiểm tra thông số. Bởi kể từ khi lên tập huấn, đây mới là lần đầu tiên Huyền thi đấu quốc tế, nên ban huấn luyện cũng muốn kiểm chứng thực tế thông số của Huyền để sắp xếp trong tổ tiếp sức.
Có một sự thật không thể phủ nhận là tại Asian Games lần này, kỳ vọng giành huy chương, thậm chí HCV, của Đoàn TTVN chỉ đặt vào tổ 4x400m. Bởi lúc này, Trương Thanh Hằng, từng giành HCB ở Asiad trước, đang trải qua giai đoạn hồi phục chấn thương sau tai nạn giao thông. Đỗ Thị Thảo, người thay thế Trương Thanh Hằng trên đường chạy 800m và 1500m, chưa đạt đến đẳng cấp của đàn chị. Vũ Thị Hương, 28 tuổi, từng giành HCB ở nội dung 200m tại Asian Games 2010, cũng không có được các chỉ số chuyên môn tiệm cận với nhóm giành huy chương châu lục gần đây. Thực tế chứng minh, dù đã thể hiện quyết tâm bằng việc khẳng định “mình quen chịu khó, chịu khổ trong tập luyện rồi, mưa thế chứ mưa nữa cũng nhằm nhò gì”, nhưng dưới điều kiện trời mưa tầm tã, dù BTC huy động nhân viên quét nước trên đường chạy, kết quả cuối cùng chỉ là Vũ Thị Hương về đích ở vị trí thứ 5 tại vòng chung kết.
“Kết quả này cũng chỉ vậy được thôi, bởi trong năm nay, các đối thủ của em đều rất mạnh. Mà em vẫn còn đau một chút và không được tập huấn nhiều. Với kết quả này, tâm trạng của em chỉ là cố gắng thi đấu hết mình thôi, dù biết là cũng chưa được tốt lắm”, Vũ Thị Hương nói.
Ở đường chạy 100m nữ, Vũ Thị Hương đã thi đấu không thực sự thành công và chỉ xếp thứ 5 chung cuộc (Ảnh: Trọng Phú)
Có nghe Vũ Thị Hương nói trong hơi thở hổn hển sau cú bứt phá, cũng như lý giải quá trình chuẩn bị của đội tuyển điền kinh, chúng ta mới càng thấy quý và trân trọng hơn tấm HCB của Quách Thị Lan. Bởi, nếu Bahrain không nhập tịch VĐV gốc Nigeria, Adekoya, người giành HCV với khoảng cách rõ rệt so với các VĐV về sau, Quách Thị Lan đã có thể hoàn thành giấc mơ Vàng điền kinh cho thể thao Việt Nam.
“Chúng tôi dùng chiến thuật bám đuổi VĐV Bahrain vì thực sự VĐV Bahrain quá mạnh. Hôm qua chạy vòng loại thì chúng tôi cũng thả một phần nào để bảo đảm thể lực để thắng VĐV Ấn Độ, bởi VĐV này trước đó từng giành chức vô địch châu Á. Nhưng bất ngờ lại phát sinh ra VĐV Bahrain này. Họ nhập khẩu từ Nigeria về thì quá mạnh rồi. Đáng tiếc cho em vì VĐV này quá mạnh nên không thể làm gì được”, HLV Nguyễn Trọng Hổ tỏ ra tiếc nuối.
Cô gái người Mường đến từ Thanh Hóa, bất ngờ nổi lên như một hiện tượng điền kinh lạ từ 2011, vẫn không thể hoàn thành giấc mơ Vàng cho điền kinh Việt Nam. Vẫn biết thể thao không có chỗ cho “nếu như” hay “giá mà”, nhưng vẫn phải thừa nhận, nếu Bahrain không có VĐV gốc Nigeria ấy, tấm HCV cự ly 400m đã thuộc về Quách Thị Lan, điền kinh và đoàn TTVN.
Cô gái giành tấm HCB như Vàng ấy dũng mãnh trên đường chạy bao nhiêu thì lại tỏ ra e thẹn và rụt rè bấy nhiêu khi trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế: “Em rất hạnh phúc và hồi hộp khi giành thành tích này. Em muốn gửi lời cảm ơn tới các thầy đã huấn luyện cho em và các bạn đã ủng hộ em rất nhiều”.
Vỗ vai tôi sau khi chứng kiến buổi họp báo quốc tế, chuyên gia người Mỹ, Loren Seagrave, người lên giáo án huấn luyện tổ 4x400m tại Mỹ và ở Asian Games lần này, khẳng định “4 năm nữa cô ấy (Quách Thị Lan) sẽ là Adekoya của Việt Nam”. Đó còn hơn một lời hứa hẹn. Cá nhân tôi và người hâm mộ thể thao Việt Nam sẽ chờ cô ấy và ông thực hiện lời hứa đó./.